Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2008

Lưu ảnh ngày xuân


Không biết từ bao giờ, tôi có thói quen xem lại ảnh cũ trong những ngày đầu năm mới. Lướt qua từng bức ảnh của gia đình hay những tấm hình mà ba, mẹ tôi đã chụp, cứ thấy một cảm giác là lạ, yên bình. Đó là niềm hạnh phúc ngưng đọng trong đôi mắt trẻ thơ, hay cái tựa vai nhẹ nhàng của đôi trai gái lúc tình yêu mới chớm. Những khuôn mặt viên mãn tuổi già, đứng hiền hòa bên con, bên cháu. Nhìn kỹ hơn, không gian phía sau những lưu ảnh ấy còn dẫn tôi đi thật xa rồi chìm sâu vào miền ký ức. Nó gắn chặt tôi với những khoảnh khắc của cuộc đời bằng một chút hoài niệm, khẽ khàng thôi nhưng bàng bạc, đủ sâu để tâm hồn được nguyên vẹn, tròn đầy.

Rời quê hương Cần Thơ lên đường lập nghiệp, ba tôi đến Cai Lậy, một huyện nhỏ bên bờ sông Ba Rày, Tiền Giang, mở tiệm và rồi ăn đời ở kiếp với xứ này. Tài sản đáng giá nhất mà ông có được ngoài chiếc máy hình Rollex của một người bác cho mượn tiền mua, chính là lòng nhiệt thành và khát khao vượt nghèo. Sau này, trong một dịp tình cờ, tôi phát hiện đằng sau bức ảnh đen trắng của ba tôi ngày trẻ có những dòng lục bát vừa lãng mạn nhưng cũng đầy ý nghĩa rằng: “Góp nhặt ngàn đau sầu thế kỷ/ Kết thành hoa lý điểm tương lai”. Có lẽ với thái độ sống lạc quan như thế mà mọi khó khăn điểm qua cuộc đời, ông đều xem như những nét cọ nhạc màu. Rồi ba mẹ tôi gặp được nhau. Đám cưới nhỏ ghi dấu cuộc tình son trẻ. Hiệu ảnh của ba từ ngày mẹ về cũng bước sang một chương mới.

Ngày đó, người quê tôi cái gì cũng sợ uổng tiền. Họ ky cóp, chắt mót như kiểu mấy ông già phải xài đến sạch de dầu cù là mà vẫn còn chưa chịu bỏ. Như cô Sáu, bà Nội tằng tiện cất từng sợi thun, bao mủ chờ gánh ve chai lông vịt đi ngang là gọi bán kiếm chút đỉnh tiền. Hay như kiểu tiết kiệm của chị Mén, cô Út suốt ngày, suốt tháng mặc quần áo cũ, chờ giáp năm mới sắm đồ.Vậy mà ngày tư ngày tết, sau mọi công việc nhà, chưng mâm ngủ quả, sắm sửa áo quần, hầu như ai nấu đều đến tiệm chụp hình, mà sẵn lòng chi thật đậm. Nói đậm cho vui miệng vậy chứ mỗi người chỉ một hoặc hai kiểu là cùng. Có gia đình nọ hễ đúng sáng mồng một tết là tập trung đông đủ tại nhà tôi để làm một bức ảnh chân dung. Nhiều mùa xuân qua, truyền thống ấy vẫn lặp lại cho đến tận bây giờ. Bên cạnh những khuôn mặt quen thuộc thấy có thêm rể thảo, dâu hiền, rồi lít nhít con cháu. Hay cô bé nọ gần tết là dành dụm tiền để chụp một kiểu hình vì “năm nay thấy mình tươi hơn năm ngoái”. Đến giờ đã là mẹ, cô vẫn bồng con đến tiệm vào ngày tết cũng với thói quen cũ. Hình chụp xong là cô gửi hết cho gia đình bên nước ngoài “để họ thấy nhớ mà mau dìa”.

Ngay đó, đám cưới vào ngày tết thì niềm vui càng nhân lên gấp bội. Chụp hình là khâu không thể thiếu. Hễ gia đình coi ngày xong là phải dặn thợ chụp trước để dè chừng. “Mùa này lúa trúng. Tui đăng ký chụp chục tấm hình màu, ba chục tấm hình đen trắng nghen chú. Mần xuôi trai nên cũng phải lo cho con gái người ta được đàng hoàng”. Cứ thế mà những người thợ cũng vui lây niềm hạnh phúc đó. Mỗi pô ảnh họ hàng nâng ly đều thoáng thấy nét mặt cô dâu vẫn chưa hết ngại ngùng. Thấy chú rể lóng nga lóng ngóng “làm bể bình bông” như trong câu hát đồng dao của bọn trẻ. Thấy mấy bà già nhay trầu bỏm bẽm, tay vừa quết vôi vừa dặn cháu dâu đầu năm đám cưới cuối năm thêm người. Hay là vào những mùa xuân hòa bình đầu tiên. Bộ đội xuôi Nam công tác đến tết cũng ăn mặc chỉnh tề, ghé hiệu ảnh chụp hình lưu niệm. Quà miền Nam bác ơi. Tội cho thầy, u con. Xem ảnh mà thấy bớt quạnh quẽ nơi quê nhà.

Ngày đó, một cuộn phim chụp xong, không phải cứ ba mươi giây là có ảnh như bây giờ. Phải qua ba bốn công đoạn mới có được một bức hình hoàn chỉnh. Nào là tráng phim trong phòng tối, nào là rọi qua giấy ảnh, ngâm nước thuốc, ngâm dấm để tạo độ trong của tấm hình. Nếu không có máy hấp, thì những bức ảnh còn ướt sau khi ngâm phải được cán trên miếng inox mà phơi. Hình khô rồi trự tróc, sau khi sấy xong là lấy bỏ vô bao là chuẩn bị giao cho khách hàng. Người thợ chụp ảnh kiêm luôn việc chỉnh sửa. Ngày đó khi kỹ thuật xử lý ảnh Photoshop còn chưa được phát minh thì những người thợ ảnh nhà tôi đã thành thạo vẽ lông mi, viền mí mắt, đánh má hồng, tha môi son… cho mỗi bức ảnh chân dung nếu có yêu cầu. Khách nhận hình về thường lồng lưu ảnh trang trọng trên từng khung, giá hay tỉ mỉ sắp ngắn trong một cuốn album gia đình. Ảnh ngày xưa thấy vậy mà rất bền màu.

Tâm niệm lớn nhất của ba tôi là trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nó thể hiện ở thái độ nghiêm túc ông dành cho nghề hình. Hơn 50 năm cầm máy, chưa bao giờ ông cho phép mình dễ dãi dù chỉ với bức ảnh hình thẻ. Ba nói hơn cả những gì đọng lại trên tấm giấy in, phần hồn của bức ảnh nằm ở vùng mà con mắt nhãn quan không bao giờ nhìn thấy. Khoảnh khắc đóng vai trò quyết định cho một bức ảnh đẹp vì nó dẫn chân người xem và chạm đến chốn sâu nhất trong cảm xúc của mỗi người.

Bình thường, tôi cũng hay tự hỏi. Không biết khách đến chụp hình ở tiệm có trân quý những khoảnh khắc ấy hay không? Rồi mai kia, tấm ảnh phai mầu. Những bức chân dung rực rỡ trên nền ảnh mờ nhòe còn gợi lại chút gì trong họ? Hỏi vậy thôi chứ cũng không có ý định tìm câu trả lời. Bởi ký ức đẹp tự thân đã là những cái neo thật lớn. Chúng giữ đời người khỏi lạc lòng qua những cơn bão thời gian.

(Bài đăng trên tạp chí Nội Thất Xuân 2008)